1. Tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra 2010
Ngày 14/11/2022, Quốc hội thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Ngày 30/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Pháp luật thanh tra hiện hành với nhiều quy định mới góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra; với mục tiêu giúp cho hoạt động thanh tra hiệu lực, hiệu quả hơn, tăng cường tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra theo hướng chuyên nghiệp hơn. Những quy định mới của pháp luật thanh tra cũng đặt ra một số yêu cầu đối với hệ thống cơ quan thanh tra. Một số điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra năm 2010 như sau:
Cụ thể, Luật Thanh tra 2022 có tất cả 8 Chương và 118 Điều luật như sau:
– Chương I: Những quy định chung.
– Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
– Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
– Chương IV: Hoạt động thanh tra.
– Chương V: Thực hiện kết luận thanh tra.
– Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra.
– Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra.
– Chương VIII: Điều khoản thi hành.
2. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành
Đây được xem là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra năm 2022. Theo Điều 18 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 03 trường hợp sau đây:
– Theo quy định của Luật;
– Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
3. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở
UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định, cụ thể tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022. Thanh tra sở được thành lập trong 03 trường hợp sau đây:
– Theo quy định của Luật;
– Tại Sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;
– Tại Sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.
Như vậy, không phải tất cả các Sở đều thành lập cơ quan Thanh tra. Tại những Sở không thành lập cơ quan Thanh tra, Giám đốc Sở giao đơn vị thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ Thanh tra chuyên ngành với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các Sở không thành lập cơ quan Thanh tra.
4. Thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra
Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Thủ trưởng cơ quan thanh tra và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra (Điều 43 và Điều 51 Luật Thanh tra 2010). Nhằm nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 quy định chỉ Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Cụ thể, Khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra.
Đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuộc về Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Khoản 2 Điều 37 của Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Trong hoạt động thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thanh tra.
5. Trưởng đoàn thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 (Điều 60) và Nghị định 43/2023/NĐ-CP (Điều 28) quy định đưa ra tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn đối với Trưởng đoàn thanh tra. Theo đó, bên cạnh các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Trưởng đoàn thanh tra (và Phó Trưởng đoàn thanh tra) phải là người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên. Cụ thể: (i) Trưởng đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ và Chánh thanh tra tỉnh thành lập phải từ Thanh tra viên chính trở lên; (ii) Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra sở và Chánh thanh tra huyện thành lập phải từ Thanh tra viên trở lên.
Như vậy, khác với quy định của Luật Thanh tra năm 2010, công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên tại các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không được là Trưởng đoàn thanh tra; công chức là trưởng phòng, phó phòng hoặc đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn tại cơ quan thanh tra nhưng chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính cũng không được là trưởng đoàn thanh tra.
6. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
Khác với Luật Thanh tra năm 2010, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra được quy định cụ thể trong Luật Thanh tra năm 2022 (các Điều 49, 50) để bảo đảm việc cuộc thanh tra tuân thủ quy định, được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.[1] Theo đó, cuộc thanh tra (bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành) bao gồm các bước: Chuẩn bị thanh tra; Tiến hành thanh tra trực tiếp; Kết thúc cuộc thanh tra.
Luật Thanh tra năm 2022 có quy định riêng về trình tự, thủ tục thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Theo đó, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra chuyên ngành đơn giản, rút gọn hơn như: thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành phải thực hiện khi cần thiết (Điều 77); đối với bước chuẩn bị thanh tra của cuộc thanh tra chuyên ngành, không nhất thiết phải thu thập thông tin, xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo (các Điều 49, 50).
Để đảm bảo phù hợp với đặc thù trong hoạt động thanh tra của một số ngành, lĩnh vực, Luật Thanh tra năm 2022 quy định: (i) Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó; (ii) Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.
7. Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Luật Thanh tra năm 2022
Theo khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.
Tại Luật Thanh tra năm 2010, chưa có quy định cụ thể về thời gian ban hành kết luận thanh tra mà chỉ nêu thời hạn công khai kết luận thanh tra trong 10 ngày (Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010).
Đây là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.
8. Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra
Việc giám sát hoạt động động của Đoàn thanh tra đã được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra năm 2022 đã giảm đi 01 nội dung giám sát (quy định hiện hành là 04 nội dung), cụ thể:
– Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.
– Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.
– Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.
9. Giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra
Để đảm bảo phù hợp với pháp luật khiếu nại hiện hành, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ kết luận thanh tra không là đối tượng bị khiếu nại (Điều 94): Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác.
Tổ chức, cá nhân có quyền kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra và kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra. Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết những kiến nghị, phản ánh nêu trên (từ Điều 60 đến Điều 63). Đáng lưu ý, với cách tiếp cận tăng cường vai trò, trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của Đoàn thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giải quyết kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật và hành vi bị cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra (Điều 60).
10. Thực hiện kết luận thanh tra
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định đầy đủ hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong đảm bảo thực hiện kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Theo đó: (i) Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận (Khoản 1 Điều 103 Luật Thanh tra); (ii) Thủ trưởng cơ quan thanh tra ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 51 Nghị định 43/2023/NĐ-CP); (iii) Người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra (Điều 55 Nghị định 43/2023/NĐ-CP).
11. Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra
Nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề này như sau:
Về xử lý chồng chéo trong lập kế hoạch thanh tra (Điều 45): Đối với bộ/ngành, kế hoạch thanh tra được tập trung về đầu mối là thanh tra bộ và mỗi bộ có kế hoạnh thanh tra chung của bộ (bao gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ và kế hoạch thanh tra của Tổng cục, Cục). Đối với mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kế hoạch thanh tra được tập trung về đầu mối là thanh tra tỉnh và mỗi tỉnh, thành phố có kế hoạch thanh tra chung (bao gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của các sở và kế hoạch thanh tra của các huyện).
Về xử lý chồng chéo trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra (Điều 55): Theo quy định, chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra được xử lý theo nguyên tắc bàn bạc, trao đổi và nếu không thống nhất được thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ tiến hành thanh tra.
Về xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước (từ Điều 107 đến Điều 110): Khác với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán nhà nước trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; cung cấp, trao đổi thông tin về thanh tra, kiểm toán; sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm toán (Khoản 2 Điều 108) và tham khảo ý kiến, sử dụng kết quả trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước (Điều 110).
12. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra
Cụ thể tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung được quy định tại 32 Luật Thanh tra năm 2010 mà còn tuân theo các Điều 6, 7 và 8 Nghị định 97/2011/NĐ-CP tương ứng với từng ngạch.
Đối với Luật Thanh tra năm 2022, tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn riêng (Điều 40 và Điều 41).
Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng đã bỏ quy định cộng tác viên thanh tra (quy định tại Điều 35 Luật Thanh tra năm 2010).
13. Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên
Theo khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra năm 2022, việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây:
– Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;
– Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao;
– Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
– Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022;
– Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm;
– Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, các trường hợp trên được luật hóa trên cơ sở đã có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 97/2011/NĐ-CP và cũng có sự thay đổi về quy định liên quan.
14. Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước
* Thêm nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra
Hiện hành, kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra chỉ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc quản lý, cấp và sử dụng ngân sách của cơ quan thanh tra nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, ngoài nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.
* Đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin
Cụ thể tại Điều 113 Luật Thanh tra năm 2022, bên cạnh các chính sách đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện khác, Nhà nước sẽ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thanh tra; xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
Đối với các cơ quan thanh tra thuộc Bộ, thuộc UBND tỉnh thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để tăng cường hoạt động thanh tra và thúc đẩy hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
15. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra
Tại Luật Thanh tra năm 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan. Hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022.