Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Ngọc Khánh (35 tuổi, ở Hà Nội) theo nhóm bơi đường dài đến một hồ ở tỉnh Thanh Hóa bơi và suýt chết do không mang theo phao vì tự tin mình biết bơi. Sau lần “chết hụt” đó, Khánh quyết tâm đi tập bơi bài bản để “phòng thân”.
Dạy bơi miễn phí tại các tỉnh thành dọc sông Hồng
Năm 2019, Khánh “tầm sư học đạo” với nhiều huấn luyện viên để trau dồi kỹ thuật, trình độ. Khánh thường chọn bơi ở sông, hồ, biển, cự ly anh có thể bơi ngày càng dài.
Đầu năm 2020, Khánh thành lập câu lạc bộ “Bơi khám phá” với mục đích ban đầu là thỏa mãn niềm đam mê bơi lội của anh và những người có cùng sở thích.
Tuy nhiên, vào mùa hè, Khánh và nhóm bạn biết thông tin về nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra nên cả nhóm mong muốn được đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm bơi lội cho cộng đồng.
Năm 2021, nhóm bắt đầu hành trình thiện nguyện này bằng việc treo những biển báo nguy hiểm ở các bãi bơi, sông, hồ để cảnh báo các em nhỏ cũng như mọi người.
Đặc biệt, gần đây khi có rất nhiều vụ nhảy cầu, đuối nước xảy ra đã thôi thúc Khánh và nhóm “Bơi khám phá” làm nên hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” vào tháng 3-2022.
Ý tưởng hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” được anh Khánh chia sẻ trên mạng xã hội. Chỉ chưa đầy một ngày đã có đến hơn 50 tình nguyện viên ủng hộ và cùng anh thực hiện.
Một số nhà thiện nguyện cũng đã tài trợ thành lập “Quỹ phát triển bơi lội Việt Nam” để đóng góp chi phí cho nhóm thực hiện những chuyến đi dạy bơi miễn phí.
“Hành trình được lan rộng đến mọi người và nhận được rất nhiều đóng góp về cả vật chất lẫn tinh thần, nên tôi phần nào thấy được việc làm của mình tuy nhỏ bé nhưng ý nghĩa cho cuộc sống. Chính điều đó càng thúc đẩy tôi luôn tâm niệm rằng cố gắng thì sẽ làm được”, anh Khánh nói.
Hành trình “Tình yêu sông Hồng” với hoạt động chính là trực tiếp dạy bơi miễn phí tại tất cả các tỉnh thành ven sông Hồng, khởi nguồn từ Lào Cai và kết thúc tại Thái Bình.
Hiện tại anh Khánh cùng các cộng sự đã đi đến được 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và dạy bơi miễn phí cho nhiều em nhỏ là học sinh cấp I, cấp II tại đây.
Ngoài ra, từ ngày 6-5, nhóm đã bắt tay vào kế hoạch lắp 400 chiếc phao cứu sinh trên các cầu bắc qua sông Hồng của 10 tỉnh thành. Sau 2 tuần đã lắp đặt được hơn 100 phao cứu sinh tại 4 tỉnh thành Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Nội. Ở Hà Nội, đã có 33 phao được treo tại 6 cây cầu là Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì.
“Những chiếc phao cứu sinh hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người cứu nạn, cũng là những tia hy vọng sống cho những người gặp nạn”, anh Khánh nói.
Lan tỏa niềm đam mê bơi lội
Theo anh Khánh, 99% các vụ đuối nước là do ngộ nhận. Nhiều người nghĩ rằng mình bơi giỏi vì đã từng học qua các khóa bơi, có thể bơi 2 vòng trong bể, nhưng thực chất khi ra môi trường sông, hồ, họ không thể bơi và sinh tồn được dưới nước.
“Thậm chí tôi đã từng hỏi những giáo viên dạy bơi và họ cung cấp thông tin là bạn chỉ cần di chuyển được 25m, 50m là có thể nổi trên nước, biết bơi. Những ngộ nhận như vậy sẽ làm họ sau này khi ra ngoài môi trường sông, hồ rất dễ rủi ro bị đuối nước”, anh Khánh cho hay.
Từ sự quan sát thực tế, anh và các thành viên trong nhóm đã dạy những kiến thức căn bản, đúng nghĩa về bơi lội và các kỹ năng sơ cứu khi gặp người bị nạn cho các em nhỏ, học viên.
“Không chỉ cung cấp kiến thức về bơi, tôi rất mong muốn lan tỏa niềm đam mê bơi lội, lợi ích của việc biết bơi với tất cả mọi người, từ trẻ nhỏ đến người già”, anh chia sẻ.
Nói về dự định sắp tới, Khánh cho hay bản thân anh là người từng suýt chết đuối nên mới tập bơi, vì vậy anh hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc biết bơi, “người không có kiến thức về bơi sẽ rất thiệt thòi”.
“Ban đầu tôi nghĩ là mình sẽ làm ở sông Hồng thôi. Thế nhưng khi nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng, tôi nghĩ những gì mình làm đã thật sự có ích. Tôi mong trong tương lai hành trình dạy bơi miễn phí của nhóm sẽ còn phát triển, mở rộng trên khắp cả nước để mong mọi người cùng chung tay đẩy lùi tình trạng đuối nước ở Việt Nam”.