Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hành vi rửa tiền diễn ra ngày một tinh vi, thủ thuật rửa tiền ngày càng kín kẽ, phức tạp và khó kiểm soát, phát hiện hơn. Để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với hành vi rửa tiền, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các Khuyến nghị của FATF, Luật PCRT năm 2022 đã sửa đổi, bổ sung và quy định 07 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, gồm: (1) tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền; (2) thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; (3) thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc; (4) cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng; (5) lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong PCRT xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (6) cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác PCRT; (7) đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền. Đây là căn cứ để các cơ quan, tổ chức hữu quan đưa ra các biện pháp PCRT; là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát và tiến hành tố tụng theo quy định.
Đặt vấn đề
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý quy định cụ thể về các hành vi rửa tiền và hoạt động phòng, chống rửa tiền. Luật này gồm có 05 chương với 50 điều. Cùng với Bộ luật Hình sự, Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT) đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng, đồng thời, làm minh bạch hệ thống tài chính, thúc đẩy hoạt động thanh toán và thương mại quốc tế, qua đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm triển khai thi hành, Luật PCRT năm 2012 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho công tác PCRT và chưa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mới đặt ra. Cụ thể là[1]: (1) quy định về đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính (FIs) và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs) chưa đầy đủ; (2) chưa có quy định về đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức, cũng như việc thực hiện các biện pháp PCRT trên cơ sở đánh giá rủi ro của các đối tượng báo cáo; (3) quy định về các biện pháp PCRT áp dụng với các đối tượng báo cáo chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, nhất là đối với thỏa thuận ủy quyền (legal arrangement); (4) quy định việc thu thập, xử lý và chuyển giao, trao đổi thông tin về PCRT chưa được rõ ràng, chưa thể hiện rõ các quy trình nghiệp vụ và chưa bao quát hết các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan tới công tác PCRT; (5) quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCRT ở một số lĩnh vực hoạt động chưa có sự phân định rõ; (6) sau khi Việt Nam ban hành Luật PCRT năm 2012, các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã được sửa đổi 11 lần và chưa được nội luật hóa cho phù hợp; có đến 27/40 khuyến nghị Việt Nam không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần.
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023 (gọi tắt là Luật PCRT năm 2022), trong đó, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác PCRT, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập qua thực tiễn triển khai thi hành luật, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các cam kết của Việt Nam. Luật gồm 04 chương với 66 điều thể hiện những nội dung cơ bản sau đây:
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật
Luật PCRT năm 2022 quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế về PCRT. Đồng thời, để phù hợp với pháp luật về phòng, chống khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Luật PCRT năm 2022 quy định rõ việc phòng, chống hành vi rửa tiền của tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật PCRT, pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Luật PCRT năm 2022 quy định 04 nhóm đối tượng áp dụng gồm: (1) Tổ chức tài chính; (2) Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (3) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; (4) Tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến PCRT.
2. Đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền
Việc quy định đầy đủ các đối tượng phải báo cáo về PCRT có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết, nhằm ràng buộc trách nhiệm của các đối tượng này trong việc thực hiện các biện pháp PCRT và các biện pháp khác được quy định trong Luật. Để khắc phục những khoảng trống của pháp luật và theo kịp sự phát triển các loại hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính và phi tài chính thời gian qua, Luật PCRT năm 2022 quy định 02 nhóm đối tượng phải báo cáo về PCRT, cụ thể như sau:
Nhóm thứ nhất là các tổ chức tài chính được được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: (1) nhận tiền gửi; (2) cho vay; (3) cho thuê tài chính; (4) dịch vụ thanh toán; (5) dịch vụ trung gian thanh toán; (6) phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; (7) bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; (8) cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; (9) môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; (10) quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; (11) kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; (12) đổi tiền.
Nhóm thứ hai là các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: (1) kinh doanh trò chơi có thưởng bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; (2) kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; (3) kinh doanh kim khí quý, đá quý; (4) kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ công chứng, cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; (5) cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Đồng thời, để đáp ứng khuyến nghị của FATF và đánh giá của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương, Luật PCRT năm 2022 giao cho Chính phủ quy định những hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là trụ cột của PCRT, là cơ sở để định hướng tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên và xác định các lĩnh vực có rủi ro cao về rửa tiền. Theo khuyến nghị của FATF, Việt Nam phải xác định, đánh giá và nhận thức đầy đủ về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của quốc gia mình, bao gồm việc chỉ định cơ quan có thẩm quyền hoặc thiết lập cơ chế nhằm phối hợp các hành động để đánh giá rủi ro quốc gia, từ đó, xây dựng, cập nhật chiến lược quốc gia về PCRT, tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro đã được xác định. Do vậy, Luật PCRT năm 2022 lần đầu tiên quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trong đó xác định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định kỳ 05 năm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Việc đánh giá cũng được thực hiện đối với hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.
Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm: (1) phổ biến kết quả đánh giá trong nội bộ của bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý, đồng thời, có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định; (2) cập nhật rủi ro về rửa tiền trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Trên cơ sở đó, NHNN tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật.
4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền
5. Nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng
“Nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng” là những biện pháp đầu tiên trong chuỗi các biện pháp PCRT, giúp phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời hành vi rửa tiền. Nhằm khắc phục được những hạn chế trong quy định của Luật PCRT năm 2012 và để tương thích với yêu cầu mới của FATF, Luật PCRT năm 2022 đã hoàn thiện căn bản các nội dung liên quan đến nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Cụ thể là:
– Luật quy định rõ các trường hợp phải thực hiện hoạt động nhận biết khách hàng cho từng nhóm đối tượng báo cáo, theo đó:
+ Đối với tổ chức tài chính, phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp: (1) khách hàng lần đầu mở tài khoản hoặc thiết lập quan hệ với tổ chức tài chính; (2) khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản; (3) nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; (4) nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.
+ Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan, phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp: (1) khách hàng có giao dịch có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; (2) khi cung cấp dịch vụ kinh doanh bất động sản; (3) khách hàng có giao dịch mua, bán kim khí quý, đá quý bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; (4) khi kinh doanh dịch vụ kế toán; thực hiện thủ tục công chứng, thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất; quản lý tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý công ty; tham gia vào hoạt động mua, bán doanh nghiệp; (5) khi cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
– Luật PCRT năm 2022 đã khắc phục những thiếu sót, chưa cụ thể trong các quy định liên quan đến nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng và đáp ứng các yêu cầu mới của FATF, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan trong việc thu thập thông tin nhận biết khách hàng. Đồng thời, quy định cụ thể các thông tin nhận dạng cần thu thập, bao gồm:
+ Đối với tất cả khách hàng cá nhân, đều phải thu thập thông tin chung về họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ. Trường hợp khách hàng cá nhân có 01 quốc tịch là người Việt Nam, thì thu thập thêm số điện thoại liên lạc; số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ đăng ký cư trú và nơi ở hiện tại khác (nếu có). Khách hàng cá nhân có 01 quốc tịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, phải thu thập số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài và địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam. Đối với khách hàng cá nhân có 01 quốc tịch là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, phải thu thập số hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ cư trú ở nước ngoài. Đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch, phải thu thập số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (nếu có), số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài (nếu có), địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam.
+ Đối với khách hàng tổ chức, phải thu thập thông tin về tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số giấy phép thành lập, mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; số điện thoại liên lạc; số fax, trang thông tin điện tử (nếu có); lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức.
Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm của các đối tượng báo cáo phải cập nhật thường xuyên thông tin nhận biết khách hàng trong thời gian thiết lập quan hệ với khách hàng; thu thập thông tin về mục đích và bản chất mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với đối tượng báo cáo; thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
– Trường hợp phát sinh yêu cầu xác minh thông tin nhận biết khách hàng, Luật PCRT năm 2022 tiếp tục kế thừa các quy định trước đây, cho phép sử dụng các dữ liệu, tài liệu để xác minh như: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu… đối với khách hàng cá nhân; giấy phép thành lập, quyết định thành lập… đối với khách hàng là tổ chức. Các đối tượng báo cáo có thể thuê tổ chức khác xác minh thông tin về khách hàng hoặc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua các cơ quan có thẩm quyền hoặc xác minh thông qua bên thứ ba.
– Luật PCRT năm 2022 bổ sung nội dung mới theo yêu cầu của FATF, trong đó quy định các đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền và kết quả đánh giá phải được phổ biến trong toàn hệ thống của đối tượng báo cáo; kết quả này phải được gửi cho NHNN và các bộ, ngành quản lý nhà nước liên quan theo thời hạn quy định để thực hiện việc giám sát. Việc bổ sung quy định này đặt ra trách nhiệm với các đối tượng báo cáo, nhưng cũng giúp họ sớm nhận biết những rủi ro về rửa tiền trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình để sớm có phương án xử lý, đồng thời, hỗ trợ hoạt động giám sát chung của NHNN và các cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền, các đối tượng báo cáo phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó, phân loại khách hàng theo 03 mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao) để áp dụng biện pháp tương ứng.
– Luật PCRT năm 2022 đã hoàn thiện quy định về quan hệ ngân hàng đại lý trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là những yêu cầu mới của FATF. Theo đó, trường hợp đối tượng báo cáo là ngân hàng, thì khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác để cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác phải: (1) thu thập thông tin về ngân hàng đối tác để hiểu biết đầy đủ về bản chất kinh doanh, uy tín của ngân hàng đối tác và thông tin về việc ngân hàng đối tác có bị điều tra về rửa tiền hoặc các vi phạm pháp luật khác về PCRT; (2) đánh giá việc thực hiện các biện pháp về PCRT của ngân hàng đối tác; (3) hiểu rõ về trách nhiệm PCRT của ngân hàng đối tác trong quan hệ ngân hàng đại lý.
– Luật PCRT năm 2022 quy định 02 nhóm giao dịch đặc biệt mà các đối tượng báo cáo phải giám sát gồm: (1) giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp theo quy định của Chính phủ; (2) giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do FATF công bố nhằm chống rửa tiền hoặc Danh sách cảnh báo.
6. Về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền
“Xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp thông tin” là những biện pháp tiếp theo trong chuỗi những biện pháp PCRT giúp phòng ngừa, phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan tới rửa tiền, đồng thời, giảm thiểu nguy cơ các đối tượng báo cáo bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền. Luật PCRT năm 2022 đã khắc phục những bất cập, hạn chế trong Luật PCRT năm 2012 và quy định rõ:
– Các nội dung phải có trong quy định nội bộ về PCRT, như: chính sách chấp nhận khách hàng, trong đó có nội dung về từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, chấm dứt mối quan hệ kinh doanh; chính sách, quy trình quản lý rủi ro; kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong việc tuân thủ quy định PCRT… Đồng thời, trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ về PCRT của các chủ thể cũng được chia theo từng mức độ để phù hợp với loại hình, quy mô của từng đối tượng báo cáo.
– Các đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo với NHNN khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn. Bên cạnh đó, Luật giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ. Đối với giao dịch đáng ngờ, Luật quy định cụ thể, minh bạch 02 trường hợp mà đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ cho NHNN gồm: (1) khi biết giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị kết án và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của bị can, bị cáo, người bị kết án; (2) khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được xác định từ việc thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ và có thể từ các dấu hiệu khác do đối tượng báo cáo xác định. Đồng thời, Luật cũng quy định 08 “dấu hiệu đáng ngờ cơ bản” và 06 lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao, dễ bị đối tượng lợi dụng để rửa tiền.
– Khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử vượt quá mức giá trị theo quy định, các đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo NHNN; đồng thời, các tổ chức tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử cũng phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, không đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.
– Cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng vượt quá mức quy định, thì phải khai báo hải quan. Luật cũng quy định bổ sung trách nhiệm của cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng phải thu thập, lưu trữ các thông tin khai báo liên quan đến việc vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới và cung cấp cho NHNN khi có yêu cầu, hoặc khi có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền.
– Các đối tượng báo cáo, tổ chức và người quản lý, người lao động thuộc các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và bảo mật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật có liên quan đối với thông tin, hồ sơ, tài liệu và báo cáo liên quan đến các giao dịch phải báo cáo.
7. Về thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền
NHNN được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cần thiết để phân tích, chuyển giao thông tin về PCRT, hợp tác quốc tế về PCRT. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của NHNN.
– Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền, NHNN có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn 07 ngày làm việc. Thông tin giao dịch đáng ngờ do NHNN chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền là bí mật nhà nước.
– Trong mối quan hệ với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, NHNN được quyền gửi yêu cầu tới cơ quan PCRT và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để thu thập, bổ sung thông tin phục vụ việc xử lý, phân tích và chuyển giao thông tin về PCRT; tiếp nhận thông tin phản hồi, thông tin chuyển giao của cơ quan PCRT và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và xử lý thông tin nhận được theo quy định. Các thông tin trao đổi, cung cấp, chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài được quy định là bí mật nhà nước.
8. Về áp dụng các biện pháp tạm thời
Luật PCRT năm 2022 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong quy định về biện pháp tạm thời làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác PCRT và phù hợp hơn với yêu cầu mới của FATF. Cụ thể là:
– Về biện pháp trì hoãn giao dịch, các đối tượng báo cáo phải áp dụng “ngay” biện pháp trì hoãn giao dịch trong 03 trường hợp: (1) khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc Danh sách đen; (2) khi có lý do để tin rằng, giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội; (3) khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.
Khi thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch, các đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NHNN. Thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch là không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu áp dụng. Các đối tượng báo cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hậu quả phát sinh khi đã áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo đúng quy định của Luật.
– Về các biện pháp phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản, các đối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp này được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
9. Về xử lý vi phạm và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền
Luật PCRT năm 2022 quy định theo hướng mở rộng các chế tài áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCRT; theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật cũng dành riêng 01 chương (Chương III) với 16 điều quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCRT, theo đó: Chính phủ được giao trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về PCRT, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về PCRT. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác PCRT; chỉ đạo việc phối hợp công tác PCRT và công tác phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCRT và được giao 11 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn. Cùng với đó, các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân…) được Luật quy định cụ thể trách nhiệm trong công tác PCRT phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của từng bộ, ngành.
Kết luận
Những nội dung cơ bản của Luật PCRT năm 2022 (đã được phân tích và đánh giá trên đây) là những nội dung quan trọng, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật PCRT năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung. Việc ban hành Luật PCRT năm 2022 là hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCRT bảo đảm phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện, trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế của Việt Nam, đồng thời, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia.